Chat Facebook

So sánh sản phẩm

ỨNG DỤNG ỐNG FRP TRONG CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

ỨNG DỤNG ỐNG FRP TRONG CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Ngày 19/1 tại Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi và Cục Quản lí Xây dựng công trình - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ đường ống dẫn nước trong công trình thủy lợi”
Tham dự Hội thảo gồm có các Cục, vụ, Đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy lợi, Cục Quản lí xây dựng công trình, các BQLDA đầu tư xây dựng và các công ty khai thác quản lí công trình thủy lợi...
Hội thảo đã được nghe lãnh đạo Cục Quản lí Xây dựng công trình nêu báo cáo về việc áp dụng đường ống trong công trình thủy lợi và báo cáo về sử dụng đường ống trong tưới tiết kiệm nước của Tổng cục Thủy lợi.
Hiện nay hệ thống dẫn nước phổ biến vẫn áp dụng công nghệ truyền thống là kênh dẫn hở với kết cấu kênh bê tông hoặc bê tông cốt thép. Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng hình thức kết cấu này không phù hợp và đáp ứng yêu cầu trong điều kiện tuyến có địa hình, địa chất phức tạp, bị chia cắt liên tục.
Để đáp ứng được yêu cầu phải đầu tư ở những vùng điều kiện khó khăn (địa hình, địa chất) và phù hợp với một số vùng khan hiếm về tài nguyên nước, giảm thiểu tối đa lượng nước tổn thất do thấm và bốc hơi như Tây Nguyên, Nam Trung bộ, nhiều dự án đã áp dụng thành công công nghệ dẫn nước bằng đường ống.
Điển hình như đường ống của trạm bơm Nước Tra (Cao Phong, Hòa Bình) 20km, đường ống kênh Thường Xuân (Thanh Hóa) gần 13km, các đường ống dự án kênh trục sông Nghèn (Hà Tĩnh)…
Ông Trần Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Thọ cho biết, trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay tỉnh Phú Thọ đã đầu tư xây dựng 54 công trình thủy lợi sử dụng công nghệ đường ống dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp với chiều dài 134,9km, gồm các loại ống nhựa HDPE, ống nhựa PVC - uPVC, ống composite (24km), ống thép...Các đường ống trên phục vụ và mang lại hiệu quả cho hơn 4.381ha diện tích đất nông nghiệp như công trình đập dâng Đá Thờ và hệ thống đường ống tưới cho 3 xã của huyện Cẩm Khê trị giá trên 50 tỷ đồng; hồ chứa nước Thượng Long tại xã Thượng Long (Yên Lập) với kinh phí hơn 35 tỷ đồng...
Từ những dự án được triển khai, ông Vương Quốc Thiết, Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết, khi ứng dụng công nghệ đường ống dẫn nước đã giúp cho tiết kiệm nguồn nước khá lớn, giảm tối đa tổn thất nước dọc đường dẫn nhờ đó diện tích được tưới đã tăng lên. Phương pháp đường ống tận dụng được lợi thế với công trình có chênh áp lớn, đầu nước cao để tăng diện tích tưới tự chảy. Nếu phối hợp với hệ thống tưới tiết kiệm nước sẽ mang lại hiệu quả đồng bộ. Phương án đường ống còn giúp giảm diện tích mất đất, có dự án còn giúp giảm chi phí đầu tư hơn so với phương án kênh hở. Chất lượng nước sẽ không bị ảnh hưởng do tác động bên ngoài trong quá trình dẫn nước, đặc biệt khi đi qua các vùng gây ô nhiễm môi trường, ông Vương Quốc Thiết cho hay.
Ông Trần Tố Nghị, Q. Cục trưởng Cục Quản lí xây dựng Công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết: Theo đánh giá thì hệ thống các công trình thủy điện đã trữ đủ nước để phục vụ cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, công nghiệp và các nhu cầu khác của xã hội. Tuy nhiên, khi chúng ta xả nước để phục vụ nông nghiệp thì lượng nước chúng ta lấy vào đồng ruộng là chưa triệt để, khoảng 20-30 %, còn lại là về biển. Vấn đề này là một bài toán nan giải, để giải quyết cần phải tính toán kĩ và khoa học. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đang triển khai nhiều chương trình về an toàn thực phẩm, muốn thực phẩm sạch thì đầu tiên phải có nước sạch, hệ thống dẫn nước cũng phải sạch. “Tuy nhiên các hệ thống dẫn nước đi qua các vùng dân cư, một số nơi ý thức người dân chưa được nâng cao nên có hiện tượng nước bị ô nhiễm, do đó phải chuyển đổi sang các hình thức dẫn nước khác, làm sao dẫn từ hồ chứa về đến mặt ruộng là nước sạch. Do đó, không còn cách nào khác là phải dẫn bằng hệ thống đường ống, vì phương pháp này dẫn nước kín và ưu điểm là dẫn nước nhanh, với các điều kiện địa hình phức tạp,” ông Nghị cho biết.
Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy lợi đánh giá, công nghệ này có ưu điểm dẫn nước nhanh, thích hợp với địa hình phức tạp. Tuy có giá thành cao nhưng tuổi thọ của đường ống cũng cao hơn nhiều so với kênh hở. “Để phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp không còn cách nào khác phải chuyển đổi công nghệ dẫn nước. Bởi khi áp dụng công nghệ này, tất cả nhu cầu sử dụng đường nước đều được đáp ứng, với trên nhiều loại cây trồng khác nhau trong điều kiện tưới tiên tiến, tiết kiệm nhất’, ông Nguyễn Anh Tú nói.
Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, nguồn nước ngày càng khan hiếm. Theo Luật Thủy lợi, nước sẽ là hàng hóa nên rất cần nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới như thế này trong các công trình thủy lợi.
Đến nay, đã có 6/26 dự án sẽ triển khai trong giai đoạn 2018-2020 có giải pháp tưới bằng hệ thống đường ống. 
Ứng dụng công nghệ đường ống trong công trình thủy lợi nhằm tiết kiệm nước, nâng cao khả năng cung cấp, đảm bảo chất lượng và khối lượng nước. Cùng với đó, tiến tới đổi mới quy hoạch, đầu tư thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và nhiệm vụ Luật Thủy lợi.
Tags:,